Ads 468x60px

Pages

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO


ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO
Đông trùng hạ thảo
Tên khác: Trùng thảo, Hạ thảo Đông trùng.

Tên khoa học: Cordyceps sinensis (Berk) Sacc., họ Nhục toà khuẩn (Hypocreaceae), thuộc bộ Nang khuẩn (Ascomycetes).

Mô tả:

Đông trùng hạ thảo là một loại khuẩn ký sinh trên một phức thể, gồm một loài côn trùng và một loài nấm (tọa khuẩn) họp thành, côn trùng thuộc họ Lân sí mục. Sâu non trông giống con tằm già, dài 3-5cm, lớn 7-10mm, sau khi khô thì bên ngoài có màu vàng kim hoặc màu vàng. Mình sâu non có vân ngang rõ rệt, gần đầu có nhiều vân vòng nhỏ, toàn thân có 3 đôi chân ở ngực, 4 đôi chân ở bụng, 1 đôi ở đuôi, nhưng chỉ có 4 đôi chân ở bụng là rõ, đầu có chất sừng màu đỏ nâu. Sau khi sấy khô, sâu non rất giòn dễ gẫy, thịt màu trắng, rắn và có mùi thơm. Phần khuẩn toạ thường dài hơn sâu non, và dài tới 7cm, màu nâu sẫm hoặc nâu, thường ký sinh trên đầu sâu non, phần đầu hơi phình to ra, như hình trụ tròn, dài và thẳng đứng, ngoài có vân dọc nhỏ, khi sấy khô khuẩn tọa dẻo, dai, khó bẻ gẫy, bên trong màu nâu nhạt. Phần đầu giống hình cái gậy, màu đen tím hơi sẫm, bên ngoài xù xì, có nhiều hạt nhỏ nổi lên gọi là cầu quả, hình trứng, hoặc hình bầu dục tròn. Quan sát dưới kính hiển vi thì thấy mỗi quả cầu bên trong có nhiều tử nang hình dài, mỗi nang tử có nang bào tử cách mô đó là công cụ truyền ty khuẩn cho thế hệ sau. Đỉnh khuẩn tỏa nhọn, không có cầu quả, màu nâu xám hoặc nâu đen.

Trước đây, người ta cho rằng đây là vị thuốc mà mùa đông hóa thành sâu, mùa hè trở thành cây cỏ. Thật ra đó là một thứ nấm mọc ký sinh trên sâu non của một loại cây như đã mô tả trên. Về mùa đông sâu nằm im dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân sâu để hút chất bổ dưỡng trong con sâu làm cho sâu chết. Đến mùa hè, nấm sinh ra cơ chất mọc chồi khỏi mặt đất, nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu của con sâu. Khi nào người ta đào lấy cả sâu và nấm để dùng.


Dược liệu: Vị thuốc gồm nấm và sâu non dài, chừng 2-3cm, đường kính chừng 3-5mm biểu hiện màu vàng nâu hay màu xám nâu. Tự đầu của con sâu mọc ra một thân nấm hình trụ (đặc biệt có khi 2 hay 3 con sâu). Thân nấm thường dài 3-6cm, có khi tới 11cm. Phía dưới thân nấm có đường kính 1,5-4mm, phía trên to phình ra, cuối cùng là thon nhon, cả phần này dài 10-45mm, đường kính 2-6mm, nếu còn non thì đặc, già thì thân rỗng.


Bộ phận dùng: Khuẩn toạ, khuẩn ty và xác ấu trùng.

Phân bố: Chỉ phát hiện được Đông trùng hạ thảo vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3500 đến 5000m. Đó là các vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam...


Thành phần hoá học: Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối (biomass) của Đông trùng hạ thảo có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, có lipid, có nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...). Các cordiceptic acid, cordycepin, adenosine, hydroxyethyl-adenosine. Vitamin B12; vitamin A; vitamin C; vitamin B2 (riboflavin), vitamin E, vitamin K...).


Công năng: Bổ Phế và Thận, ích khí, chỉ huyết và trừ đờm.

Công dụng: Trị ho lâu ngày, yếu mệt, thổ huyết, nhiều mồ hôi, di tinh, đau lưng mỏi gối.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-12g dùng dạng rượu thuốc.

Bài thuốc:

+ Bồi bổ sau bệnh nặng, sau nhiều lần giao hợp: Đông trùng thảo 15 con, Vịt già 1 con làm xong sạch sẽ, bỏ lòng ruột, chẻ đôi đầu vịt ra cho Đông trùng thảo vào cột chặt gài đầu vào bụng cho gia vị vào, thêm hột sen, chưng tiềm cho nhừ ăn hết thịt và nước. (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Viêm khí quản mãn tính, bồi bổ cho người già, dùng Đông trùng thảo 6g, Khoản đông hoa 4,5g, Tạng bạch bì 6g, Cam thảo 5 phân, Tiểu hồi hương 1 phân sắc uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Kiêng kỵ: Chứng thuộc huyết và Phế có nhiệt thì cấm dùng.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Blogger news

Blogroll

About