Ads 468x60px

Pages

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

HƯƠNG NHU TÍA

HƯƠNG NHU TÍA
Hương Nhu tía
Tên khác: É đỏ, é tía.

Tên khoa học: Ocimum sanctum L., họ Bạc hà (Lamiaceae).

Mô tả: Cây thảo cao gần 1 mét. Thân cành màu đỏ tía, có lông. Lá mọc đối, mép khía răng, thường có màu nâu đỏ, có lông ở cả hai mặt; cuống lá dài. Cụm hoa là chùm đứng gồm nhiều hoa màu trắng hay tím, có cuống dài, xếp thành vòng 6-8 chiếc. Quả bế nhỏ. Toàn cây có mùi thơm dịu.

Bộ phận dùng: Thân, cành mang lá, hoa (Herba Ocimi sancti).

Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng trong vườn ở khắp nước ta.

Thu hái:
Thu hái vào lúc cây đang ra hoa, rửa sạch, cắt thành từng đoạn 3 - 4 cm, phơi âm can đến khô.

Thành phần hoá học: Có tinh dầu với tỷ lệ 0,2-0,3% ở cây tươi và 0,5 ở cây khô; thành phần chính của tinh dầu là eugenol (trên 70%), methyleugenol (trên 12%) và β- caryophyllen).

Công năng: Phát hãn, thanh thử, tán thấp, hành thuỷ.

Công dụng:
Chữa cảm nắng, nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, chuột rút, cước khí, thuỷ thũng.

Cách dùng, liều lượng:

- Sắc uống, ngày 6 - 12g.

- Phối hợp trong nồi lá xông (50 - 100g tươi).

Bài thuốc:
1. Chữa cảm sốt, nhức đầu, đau bụng, chân tay lạnh: Hương nhu tía 500g, Hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g, Bạch biển đậu (sao) 2000g. Tất cả tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 10g có khi đến 20g với nước sôi để nguội.

2. Chữa cảm, làm ra mồ hôi, hạ sốt: Hương nhu tía, Hoắc hương, Bạc hà, Sả, Tía tô, lá Bưởi, lá Chanh mỗi thứ 10g. Tất cả rửa sạch, đun sôi dùng xông hơi (Nồi nước xông).

3. Phòng, chữa cảm nắng, say nắng: Lá Hương nhu tía 32g, hạt Đậu ván 32g, củ Sắn dây 24g, Gừng sống 12g. Các vị phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Mỗi lần người lớn 16g, trẻ em 8g; hãm với nước sôi, gạn uống (kinh nghiệm của Viện Y học cổ truyền).

4. Chữa trẻ em chậm mọc tóc: Hương nhu tía sắc đặc, hòa với mỡ lợn bôi hàng ngày (Tuệ Tĩnh, Nam Dược thần hiệu).

5. Chữa hôi miệng: Hương nhu tía 10g, sắc với 200ml nước, dùng súc miệng và ngậm.

Kiêng kỵ: Ho lao mạn tính không nên dùng.


HƯƠNG NHU TRẮNG

HƯƠNG NHU TRẮNG
Hương Nhu trắng
Tên khác: É trắng, hương nhu trắng lá to.

Tên khoa học: Phần trên mặt đất của cây Hương nhu trắng (Ocimum gratissimum L.), họ Bạc hà (Lamiaceae).

Mô tả: Cây thảo cao 1-2m, sống nhiều năm. Thân vuông, hoá gỗ ở gốc, có lông, khi còn non 4 cạnh thân màu nâu tía, còn 4 mặt thân màu xanh nhạt, khi già thân có màu nâu. Lá mọc đối chéo chữ thập, có cuống dài, phiến thuôn hình mũi mác, khía răng cưa, có nhiều lông ở hai mặt, mặt trên xanh thẫm hơn mặt dưới. Cụm hoa xim ở nách lá, co lại thành xim đơm. Hoa không đều, có tràng hoa màu trắng chia 2 môi. Nhị 4, thò ra ngoài bao hoa. Quả bế tư, bao bởi đài hoa tồn tại. Toàn cây có mùi thơm.

Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất (Herba Ocimi gratissimi).

Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta.

Thu hái: Thu hái khi cây ra hoa, rửa sạch, để nguyên hoặc cắt thành từng đoạn 2-3 cm, phơi âm can đến khô. Có thể cất lấy tinh dầu để dùng. Nếu cất tinh dầu, thu hái vào lúc cây Hương nhu đã phát triển đầy đủ, có nhiều lá và hoa.

Thành phần hoá học: Trong hoa, lá khô đều có tinh dầu (ở hoa 2,77%, ở lá 1,38% ở phần cây trên mặt đất 1,14%) mà thành phần chủ yếu là eugenol 74%. D-germacren 8,8%, cis b-ocimen 7%.

Công năng: giải cảm nhiệt, lợi tiểu.

Công dụng:

+ Như Hương nhu tía nhưng ít dùng hơn làm thuốc giải cảm, làm ra mồ hôi..

+ Cất tinh dầu và điều chế eugenol dùng trong tân dược (dùng trong nha khoa) và một số ngành kỹ nghệ khác.

+ Tinh dầu Hương nhu trắng: Tinh dầu lỏng, màu vàng nhạt, mùi thơm, vị cay, tê, để ngoài không khí biến màu nâu đen. có tác dụng giảm đau tại chỗ, sát trùng, dùng làm thuốc phòng chữa thối rữa (phòng hủ), thuốc chữa đau răng.

Bài thuốc:

Cách dùng, liều lượng: 6 - 12g một ngày. Dạng thuốc hãm, thuốc sắc, thuốc xông hoặc rịt lên đầu.

1. Chữa cảm nắng, nôn mửa, tiêu chảy hoặc do mùa hè ăn quá nhiều các thứ sống lạnh: hương nhu 12g, tía tô (lá và cành) 9g, mộc qua 9g, sắc nước uống trong ngày.

2. Hương nhu ẩm: hương nhu 8g, hậu phác 6g, bạch biển đậu (đậu ván trắng) 12g, sắc nước uống. Ngoài cách sắc uống, còn có thể sử dụng dưới dạng thuốc tán: dùng hương nhu 500g, hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g, bạch biển đậu (sao vàng) 2000g, tất cả 3 vị tán nhỏ trộn đều; mỗi lần dùng 10g, pha với nước đun sôi uống. Tác dụng: chữa mùa hè bị cảm do nhiễm gió lạnh, uống quá nhiều thứ nước mát, hoặc bị cảm nắng dẫn đến người phát sốt, sợ lạnh, đầu đau, ngực đầy, không mồ hôi.

3. Chữa cảm trong 4 mùa (tứ thời cảm mạo): hương nhu tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g, pha với nước sôi hay dùng rượu hâm nóng mà chiêu thuốc; uống vào mồ hôi ra được là khỏi bệnh.

4. Chữa cảm sốt nhức đầu: dùng lá hương nhu tươi một nắm, giã nhỏ, chế thêm nước sôi, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp lên đầu, trán, và hai bên thái dương. Nếu sốt có mồ hôi thì thêm củ sắn dây tươi 20g, cùng giã vắt nước uống.

5. Chữa phù thũng, tiểu tiện đỏ, không mồ hôi: hương nhu 9g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, ích mẫu thảo 12g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

6. Chữa hôi miệng: hương nhu 10g sắc với 200ml nước. Dùng súc miệng và ngậm.

7. Chữa trẻ nhỏ viêm đường hô hấp trên: hương nhu, hoắc hương, kinh giới, bán hạ, phục linh, đẳng sâm, hoàng cầm - mỗi thứ 10g, cam thảo 5g; sắc với nước, chia thành 4 - 6 lần uống trong ngày.

8. Chữa trẻ con chậm mọc tóc: hương nhu 40g, sắc với 200ml nước, cô đặc, trộn với mỡ lợn, bôi lên đầu.

HOA HÒE

HOA HÒE
Hoa Hòe
Tên khác: Hòe hoa, cây Hòe, Hòe.

Tên khoa học: Styphnolobium japonicum (L.) Schott = Sophora japonica L., họ Đậu (Fabaceae).

Mô tả:

Cây: Cây gỗ, to, cao có thể đến 15m, thân thẳng có chỏm lá tròn. Cành cong queo. Lá kép lông chim lẻ, có 9-13 lá chét hình trứng, đỉnh nhọn, nguyên dài 3cm rộng 1,5-2,5cm. Cụm hoa hình chuỳ ở đầu cành. Tràng hoa hình bướm màu trắng ngà. Quả loại đậu không mở, dày và thắt nhỏ lại ở giữa các hạt.

Dược liệu: Nụ hoa hình trứng có cuống nhỏ, ngắn, một đầu hơi nhọn, dài 3 - 6 mm, rộng 1 - 2 mm, màu vàng xám. Đài hoa hình chuông, màu vàng xám, dài bằng 1/2 đến 2/3 chiều dài của nụ hoa, phía trên xẻ thành 5 răng nông. Hoa chưa nở dài từ 4 - 10 mm, đường kính 2 - 4 mm. Cánh hoa chưa nở màu vàng. Mùi thơm, vị hơi đắng.

Bộ phận dùng:

+ Nụ hoa phơi hay sấy khô (Hoè hoa - Flos Styphnolobium japonici = Flos Sophorae japonicae).

+ Quả hoè (Hoè giác - Fructus Sophorae japonicae).

Phân bố: Hoè được phát triển trồng nhiều ở Thái Bình, Hà Bắc, Nam Hà, Hải Phòng, Hải Hưng, Nghệ An và gần đây ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Thu hái: Thu hoạch từ thàng 7-9 dương lịch. Hái hoa vào buổi sáng khi trời khô ráo. Ngắt các chùm hoa đã bắt đầu có hoa mới nở, tuốt lấy hoa rồi phơi nắng hoặc sấy ngay. Dược liệu là hoa chưa nở được gọi là "hoè mễ". Dược điển Việt nam quy định hoa nở lẫn vào không được quá 10%.

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng cầm máu: Hoa hòe có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, sao thành than tác dụng càng tăng.

+ Tác dụng với mao mạch: giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mao mạch.

+ Tác dụng của thuốc đối với hệ tim mạch: chích tĩnh mạch chó được gây mê dịch Hoa hòe, huyết áp hạ rõ rệt. Thuốc có tác dụng hưng phấn nhẹ đối với tim cô lập ếch và làm trở ngại hệ thống truyền đạo. Glucosid vỏ hòe có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim cô lập và tim tại thể của ếch. Hòe bì tố cótác dụng làm giãn động mạch vành.

+ Tác dụng hạ mỡ trong máu: Hòe bì tố có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu của gan và ở cửa động mạch. Đối với xơ mỡ động mạch thực nghiệm, thuốc có tác dụng phòng trị.

+ Tác dụng chống viêm: đối với viêm khớp thực nghiệm của chuột lớn và chuột nhắt, thuốc có tác dụng kháng viêm.

+ Tác dụng chống co thắt và chống lóet: Hòe bì tố có tác dụng giảm trương lực cơ trơn của đại tràng và phế quản. Tác dụng chống co thắt của Hòe bì tố gấp 5 lần của Rutin. Rutin có tác dụng làm giảm vận động bao tử của chuột lớn, làm giảm bớt rõ rệt só ổ lóet của bao tử do thắt môn vị của chuột.

+ Tác dụng chống phóng xạ: Rutin làm giảm bớt tỷ lệ tử vong của chuột nhắt do chất phóng xạ với liều chí tử.

+ Rutin có tác dụng phòng ngừa tổn thương do đông lạnh thực nghiệm: đối với tổn thương độ 3 càng rõ, đối với độ 1 và 2 cũng có tác dụng.

+ Tác dụng chống tiêu chảy: nước Hoa hòe bơm vào ruột của thỏ kích thích niêm mạc ruột sinh chất tiết dịch có tác dụng làm giảm tiêu chảy.

Thành phần hoá học:
Flavonoid, Nụ hoa Hoè chứa rutin, có thể đạt tới 34%. Còn có bertulin, sophoradiol, sophorin A, sophorin B và sophorin C. Vỏ quả chứa 10,5% flavonoid toàn phần và một số dẫn xuất như genistein, sophoricosid, sophorabiosid, kaempferol, glucosid C, rutin 4,3%. Hạt Hoè chứa 1,75% flavonoid trong đó có rutin 0,5%, một số alcaloid, cytisin, N-methyl cytisin, sophocarmin, matrin. Ngoài ra còn có 8-24% chất béo và galactomanan.

Công năng: Lương huyết chỉ huyết, thanh can tả hoả.

Công dụng:

+ Nụ hoa hoè sao đen : Các chứng chảy máu, chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, dễ cáu gắt.

+ Nụ hoa sống chữa cao huyết áp, đau mắt. Ngày dùng 8 - 16g dạng thuốc hãm hoặc sắc.

+ Chiết xuất rutin, bào chế theo y học hiện đại. (Viên rutin C).

+ Quả hoè có công dụng gần như hoa nhưng có thể gây ra thai.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 8-10g, dạng thuốc hãm hoặc sắc, hoặc dùng 0,5-3g dạng bột hoặc viên. Quả sao tồn tính chữa đại tiện ra máu.

Bài thuốc:

1. Chữa các loại xuất huyết, đi lỵ ra máu, bệnh trĩ, đi ngoài ra máu: dùng hoa Hoè (sao qua) 10-15g, hoặc dùng quả Hoè 8-12g sắc uống hoặc dùng hoa hoè sao đen 20g, Địa du sao đen 10g, Diếp cá 12g, nước 300ml, sắc còn 200ml.

2. Chữa người có huyết áp cao, đầu choáng váng, ngón tay hơi tê, đầu óc căng thẳng, thần kinh suy nhược, mắt đau sợ chói, khó ngủ: Hoè hoa sao, hạt Muỗng sao, hai loại bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 5g, ngày dùng 10-20g; hoặc dùng riêng mỗi vị 10g hãm uống thay chè.

3. Chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui mà còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da, hay trẻ em thường đổ máu mũi, chảy máu chân răng; trằn trọc khó ngủ: Cũng dùng Hoè hoa sao và hạt Muồng sao, tán bột, ngày dùng 10-20g; hoặc sắc 10g quả Hoè uống.

4. Chữa trĩ bị sưng đau: Quả Hoè phối hợp với Khổ sâm, lượng bằng nhau, nghiền thành bột hoà với nước bôi ngoài.


CÂY MÙI

CÂY MÙI
Cây mùi

Tên khác: Hồ tuy, Nguyên tuy.

Tên khoa học: Coriandrum sativum L., họ Cần (Apiaceae).

Mô tả: Dạng thảo nhỏ mọc hằng năm, cao 20 đến 60 cm hay hơn, nhẵn, thân mảnh, lá bóng màu lục tươi; các lá ở dưới chia thành phiến hình trái xoan, có răng; các lá ở trên chia thành tua rất nhiều. Cụm hoa tán kép. Hoa màu trắng, ít khi màu hồng. Quả hình cầu màu vàng sẫm.

Bộ phận dùng: Quả (Fructus Coriandri)

Phân bố: Cây được trồng khắp nơi làm rau, gia vị và làm thuốc.

Thành phần hoá học: Quả mùi có tinh dầu (0,3 - 1,0% ), chất béo (13 - 20%), protein (16 - 18%), chất xơ (38%). Thành phần chủ yếu của tinh dầu là Linalol quay phải (70-90), còn gọi là Coriandrol. 5% D-pinen, limonen, tecpinen, mycxen, phelandren, một ít geraniol và bocneol. Trong lá thân cũng chứa trên dưới 1% tinh dầu.

Công dụng: Thúc đậu sởi mọc, làm thuốc giúp tiêu hoá.

Cách dùng, liều lượng: Lấy khoảng 50g quả giã nát, hoà vào một ít nước, vẩy lên người. Uống trong 4 - 8g/ngày.

Bài thuốc:

1.Chữa bệnh sởi trẻ em: Chủ yếu lúc sởi mới mọc, sởi mọc không đều, hoặc sốt kéo dài mà sởi chưa mọc hoặc mọc quá ít, dùng cây rau mùi có tác dụng thúc sởi mọc nhanh và đều, tăng tuần hoàn ngoại vi làm cho độc sởi được phát ra ngoài, trạng thái nhiễm độc được giảm nhẹ.

-Dùng ngoài: Hạt rau mùi tươi ( hoặc cả thân lá) 100 - 150g sắc nước sôi độ 5 phút, giã nát để sắc (không sắc lâu) đem xoa ấn vào tay chân và thân mình trẻ ( theo thứ tự lưng trước bụng sau, trên trước dưới sau) không để trẻ bị lạnh. Hoặc dùng Hạt mùi 80g tán nhỏ trộn với rượu 100ml và nước 100ml đun sôi lọc bỏ bã phun vào người bệnh nhi trừ mặt ( để nước thuốc hơi ấm mà dùng).

- Uống trong: Hạt mùi 12g sắc nuớc uống ấm trong ngày 1 - 2 lần.

2.Trị rối loạn tiêu hóa bụng đầy đau do thực tích: Dùng bài: Hồ tuy 8g, Đinh hương 4g, Quất bì 4g, Hoàng liên 4g, sắc nước uống.

3.Kinh nghiệm trị những chứng khác:

-Phụ nữ sau đẻ cạn sữa: Quả mùi 6g, nước 100ml, đun sôi 15 phút chia 2 lần uống trong ngày.

-Trị da mặt có những nốt đen: Quả mùi sắc nước rửa luôn, nốt đen sẽ mất dần.

-Trị lòi dom: Quả mùi đốt hun khói xông hâïu môn.

-Trị lãi kim: Hạt mùi tán mịn trộn với bột trứng gà luộc chín và dầu mè liên tục 3 ngày, mỗi ngày một lần trước lúc ngủ.

-Trị buồn nôn ợ hơi: dùng hạt Hồ tuy, hạt củ cải, mỗi thứ 40g, tán bột mịn trộn lẫn, mỗi lần uống 4 - 8g, ngày 2 lần.

-Phòng bệnh sởi: sắc nước rau mùi cho trẻ uống trong thời gian có tiếp xúc với trẻ mắc bệnh sởi trong 7 - 10 ngày.

Ghi chú: Không dùng thuốc lúc sởi đã mọc đều, thời kỳ toàn phát và hồi phục của bệnh sởi. Không dùng đối với bệnh nhiễm mồ hôi ra nhiều, cơ thể suy nhược, bệnh nhân có loét dạ dày không dùng uống trong.

CÁ NGỰA


CÁ NGỰA
Cá ngựa
Tên khác: Hải mã, Thủy mã.

Tên khoa học: Hippocampus kelloggi Jordan et Snyder (Khắc thị hải mã), Hippocampus histrix Kaup (Thích hải mã), Hippocampus kuda Bleeker (Đại hải mã), Hippocampus tricumalatus Leach (Tam ban hải mã)..., họ Hải long (Syngnathidae).

Bộ phận dùng: Vị thuốc là toàn thân bỏ ruột phơi khô của một số loài Cá ngựa: Hippocampus kelloggi Jordan et Snyder (Khắc thị hải mã), Hippocampus histrix Kaup (Thích hải mã), Hippocampus kuda Bleeker (Đại hải mã), Hippocampus tricumalatus Leach (Tam ban hải mã)..., họ Hải long (Syngnathidae).

Mô tả: Cá ngựa có thân hình hơi dẹt, dài và cong. Toàn thân dài khoảng 15 - 20 cm, có khi hơn; phần phình to ở giữa thân rộng từ 2 - 4 cm; màu vàng nhạt hoặc nâu đen. Thân và đuôi chia thành các ô hình chữ nhật, các ô này được tạo bởi các đốt xương vòng song song; ở đỉnh các đốt thân có các gai nhọn, thân có 7 gờ dọc, đuôi cuộn lại ở cuối và chỉ có 4 gờ. Đầu hơi giống hình đầu ngựa, giữa đầu có các gai to nhô lên. Miệng dài như một cái vòi, không có răng, hai mắt lõm sâu. Thể nhẹ, chất xương, cứng rắn, hơi có mùi tanh, vị hơi mặn. Cá ngựa loại to, đầu đuôi đầy đủ, không có sâu mọt là loại tốt.

Phân bố: Vùng biển nước ta có một số loài Cá ngựa đang được khai thác và sử dụng.

Thu hái: Hai mùa hạ, thu, bắt cá ngựa về rửa sạch, loại bỏ màng da, bỏ ruột, uốn cong đuôi rồi phơi khô, thường buộc lại từng đôi một (1 con đực, 1 con cái).

Tác dụng dược lý:

Hoạt tính nội tiết: Các chất ly trích tử hải mã bằng alcohol có hoạt tính kéo dài thời gian rụng trứng, tăng trọng lượng của tử cung và buồng trứng nơi chuột cái thử nghiệm. Chất này có các hoạt động loại androgen trên các tuyến nhiếp hộ và dịch hoàn. Các hoạt tính này yếu hơn Dâm dương hoắc (Ying-yang-huo= Herbi Epimedii), Xà xàng tử (She chuang zi= Fructus Cnidii Monnieri) nhưng mạnh hơi chất ly trích từ Tắc kè. (Dan Bensky, Chinese Herbal Medicine Materia Medica trang 356).

Tác động về tình dục: Chất ly trích hải mã bằng alcohol giúp kéo dài thời gian ân ái nơi chuột thữ nghiệm.

Thành phần hoá học chính: Protid, lipid.

Công năng: Ôn thận tráng dương, tán kết tiêu sưng

Công dụng: Thuốc bổ, kích thích sinh dục, chữa liệt dương, phụ nữ khó mang thai, đau lưng mỏi gối, báng bụng. Dùng ngoài chữa đinh độc, u nhọt.

Cách dùng, liều lượng: 4 - 10g một ngày. Dạng thuốc sắc, bột, rượu, thuốc hoàn.

Bào chế: Loại bỏ tạp chất, vụn nhỏ, khi dùng giã nát, tán bột. Thường vặt bỏ gai trên đầu, tẩm rượu, hơ hoặc sao kỹ với cám, tán nhỏ để dùng hoặc ngâm rượu với thuốc khác để uống.

Bài thuốc:

+ Trị ho-suyễn, thở khò khè: Sắc 5 gram cá ngựa với 10 gram Đương quy trong 200 ml nước, đến khi còn 50 ml. Uống mỗi ngày.

+ Chữa sưng thận kinh niên: Dùng 1 con cá ngựa, rang khô đến khi chín vàng, tán thành bột. Lấy 1 quả thận heo, xẻ đôi rửa sạch, nhồi bột cá ngựa vào, cột chặt và hấp cách thủy. Ăn trong ngày, liên tục trong 2 tuần.

+ Chữa liệt dương: Ngâm trong 1 lít rược trắng hay vodka 30 gram bột cá ngựa, 30g ban long sâm, 20 g cốt toái bổ, 20 g long nhãn. Ngâm 5-7 ngày (hay lâu hơn càng tốt). Uống mỗi ngày 20-40 ml.

Ghi chú: Cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.


MẬT ONG


MẬT ONG
Mật ong
Tên khác: Bách hoa tinh, Bách hoa cao, Phong mật, Honey bee (Anh), Abeille de miel (Pháp).

Nguồn gốc: Là mật của Ong mật gốc Á (Apis cerana Fabricius) hay Ong mật gốc Âu (Apis melifera L.), họ Ong mật (Apidae).

Mô tả:

Chất lỏng, đặc sánh, hơi trong, dính nhớt, có màu trắng đến màu vàng nhạt (gọi là mật trắng) hoặc có màu hơi vàng cam đến màu hổ phách (gọi là mật vàng). Mùa hạ, mật ong sáng bóng, trong như dầu. Về mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, mật kết tinh một phần, giống như dầu sáp, chứa các hạt. Mùi thơm, vị rất ngọt.

Thu hái: Cách lấy mật ong: Ong làm mật quanh năm, nhưng mùa thu hoạch mật tốt nhất là mùa xuân-hạ. Ở miền Nam, mật ong được lấy vào tháng 2-4 là mùa khô. Người sành nghề lấy mật ong ở thiên nhiên, có kinh nghiệm xem bụng ong để biết đã đến lúc thu hoạch mật chưa. Nếu bụng ong có mầu vàng nhạt là tổ mới bắt đầu làm, khắp bụng vàng óng là tổ đầy mật, bụng vàng sẫm là tổ đã hết mật. Khi đi rừng lấy mật ong, họ mang rễ Gừa theo người, rồi đốt lấy khói, hun lùa vào tổ ong. Khói rễ Gừa sẽ làm ong cay khó chịu, sẽ bay ra khỏi tổ. Lúc này, họ sẽ cắt tầng sáp chứa đầy mật một cách dễ dàng, rồi bóp, vắt, ép để lấy mật, lọc. Mật thu được có mầu vàng thẫm, sỉn đục, chất lượng kém hơn vì có lẫn sáp, ấu trùng và một số tạp chất khác. Ở các cơ sở nuôi ong có quy mô công nghiệp, hiện nay người ta dùng máy ly tâm để lấy mật, vừa đỡ tốn công, được nhiều mật, vừa giữ nguyên được tầng sáp (ong không phải xây lại tổ), lại đảm bảo được chất lượng của mật (loại 1).

Thành phần hoá học:

+ Đường Glucose và levulose (60-70%); saccarose (3-10%), mantose, oligosacarid

+ Vitamin B2, PP, B6

+ Men Diastase, catalase, lipase.

+ Các acid hữu cơ: acid Panthotenic, a.formic, tartric, citric, malic, oxalic…

+ Các chất khoáng và các nguyên tố vi lượng: Na, Ca, Fe, K, Mg, Cl, P, S, I, V, Bo, Cr, Cu, Zn, Pb, Li, Sn, Ti…

+ Các hormon, chất thơm, nước (18-20%)…

+ Albumin

Công năng: Bổ trung, nhuận táo, chỉ thống, giải độc, làm giảm độ acid của dịch vị.

Công dụng: Thuốc bổ, điều trị loét dạ dày, người suy nhược, phế ráo, ho khan, ruột ráo, táo bón.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 10-50g dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc:

1. Tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống nhiễm trùng. Hàng ngày nên ăn 5 thìa mật ong, có thể ăn với bánh mì hoặc uống với trà, sữa tươi.

2. Bồi bổ cơ thể: Mật ong đánh kem với lòng đỏ trứng gà, ăn mỗi ngày một quả sẽ làm da dẻ hồng hào, cơ thể khoẻ mạnh.

3. Hồi phục sức lực sau khi ốm dậy: Mật ong trộn với bột Tam thất ăn mỗi bữa một chén con có thể giúp.

4. Bị cảm cúm: Uống một cốc nước chanh nóng có pha thêm 2 thìa mật ong.

5. Trị ho: Một quả chanh tươi, khía kiểu múi khế ở ở lớp vỏ ngoài, sau đó cho một vài thìa cà phê mật ong cho ngấm đủ toàn bộ quả chanh trong một cái chén. Để khoảng 1-2 giờ sau đó cắt ra ngậm sẽ đỡ ho ngay.

6. Dùng ngoài khi da bị trầy xước: Làm sạch vết thương rồi bôi mật ong lên, vết xước sẽ mau lành và không bị nhiễm trùng hay sưng tấy.

7. Chữa viêm loét dạ dày: Mật ong trộn với bột nghệ đen (thể hàn), nghệ vàng (thể nhiệt) có thể Ăn liền trong 1-2 tháng.

8. Tưa lưỡi trẻ em do nhiễm nấm Candida abicans: Dùng mật ong nguyên chất nhỏ 1 giọt vào miệng trẻ. Vị ngọt sẽ kích thích các đầu thần kinh vị giác ở lưỡi bé. Em bé sẽ đưa đi đưa lại lưỡi, đó là động tác tự làm sạch nấm Candida abicans ở lưỡi và miệng.

Cách phân biệt Mật ong thật-Mật ong giả:

+ Lấy một tờ giấy trắng sạch và bôi mật ong lên đó. Mật tốt sẽ thấm rất chậm, còn loại giả thì chỉ vừa phết lên là thấm ướt ngay.

+ Mật ong giả là loại mật đã bị hoà lẫn với nước đường, muối ăn, đạm hoá học, tinh bột, đường mạch nha... Mùi thơm của nó nhạt, có thể có mùi lạ, khi nuốt thấy có cảm giác hơi vướng cổ. Còn mật ong nguyên chất thì khi nhấm có vị ngọt đậm, mùi thơm đậm, ngọt nhưng không ngấy.

+ Mật ong nguyên chất thì khi khuấy thấy rất mềm, thò ngón tay vào không thấy cảm giác sạn, bỏ vào miệng nếm thì thấy tan rất nhanh. Còn mật ong “chế biến” thì khi quấy có cảm giác cứng, khó tan.

+ Mật ong thật đặc quánh, độ kết dính cao, thơm, có các màu trắng, vàng nhạt hay hồng nhạt, trông rất trong.

+ Dùng chiếc đũa tre sạch khêu một ít mật ong rồi kéo thành sợi. Sợi kéo dài sẽ đứt; nếu sau đó mật co lại thành cục tròn thì đó là loại tốt.

+ Dùng một que tre sạch khuấy đều lên, nếu trong mật ong có trộn lẫn các chất khác thì bạn sẽ thấy màu đục hiện lên, còn mật ong chính hiệu thì không có hiện tượng ấy.

+ Dùng một sợi thép hơ nóng đỏ lên chọc vào mật ong, nếu thấy sủi bọt phả hơi lên thì đó là mật ong giả, người ta đã trộn lẫn khá nhiều nước.

+ Lấy một phần mật ong và 5 phần nước quấy đều rồi đậy lại, để một ngày, nếu không thấy có chất lắng xuống thì đó là mật ong tốt.

+ Lấy một phần mật ong, 2 phần nước cơm, 4 phần cồn 95%, đem khuấy đều lên, đậy lại để trong một ngày đêm. Nếu có chất tạp lắng xuống thì đó không phải mật ong tinh khiết, tạp chất lắng càng nhiều chất lượng càng kém.

Ghi chú:

+ Khi mật ong xuất hiện các bọt khí thì không nên để lâu. Trong mật ong có một lượng đường khá lớn nên nó có tính hút nước. Do sơ suất trong bảo quản, lượng nước trong mật ong tăng lên, nếu vượt quá 20% thì làm cho nấm men phát triển nhanh và phân giải các thành phần dinh dưỡng của mật khiến mật bị biến chất. Bọt khí xuất hiện là một dấu hiệu chứng tỏ sự biến chất này. Mật tuy không phải là hỏng hẳn nhưng sẽ không giữ được lâu.

+ Không bảo quản mật ong trong các đồ đựng bằng kim loại, vì trong mật ong có acid hữu cơ và đường, dưới tác dụng của men, một phần các chất này biến thành acid etylenic. Chất này ăn mòn lớp ngoài kim loại và làm tăng thêm hàm lượng kim loại trong mật ong, làm mật biến chất. Thành phần dinh dưỡng của mật ong bị phá hoại, người dùng dễ trúng độc với các biểu hiện lợm giọng, nôn mửa...

Kiêng kỵ: Tỳ vị hư hàn (ỉa chảy) và hay đầy bụng thì không nên dùng.


ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO


ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO
Đông trùng hạ thảo
Tên khác: Trùng thảo, Hạ thảo Đông trùng.

Tên khoa học: Cordyceps sinensis (Berk) Sacc., họ Nhục toà khuẩn (Hypocreaceae), thuộc bộ Nang khuẩn (Ascomycetes).

Mô tả:

Đông trùng hạ thảo là một loại khuẩn ký sinh trên một phức thể, gồm một loài côn trùng và một loài nấm (tọa khuẩn) họp thành, côn trùng thuộc họ Lân sí mục. Sâu non trông giống con tằm già, dài 3-5cm, lớn 7-10mm, sau khi khô thì bên ngoài có màu vàng kim hoặc màu vàng. Mình sâu non có vân ngang rõ rệt, gần đầu có nhiều vân vòng nhỏ, toàn thân có 3 đôi chân ở ngực, 4 đôi chân ở bụng, 1 đôi ở đuôi, nhưng chỉ có 4 đôi chân ở bụng là rõ, đầu có chất sừng màu đỏ nâu. Sau khi sấy khô, sâu non rất giòn dễ gẫy, thịt màu trắng, rắn và có mùi thơm. Phần khuẩn toạ thường dài hơn sâu non, và dài tới 7cm, màu nâu sẫm hoặc nâu, thường ký sinh trên đầu sâu non, phần đầu hơi phình to ra, như hình trụ tròn, dài và thẳng đứng, ngoài có vân dọc nhỏ, khi sấy khô khuẩn tọa dẻo, dai, khó bẻ gẫy, bên trong màu nâu nhạt. Phần đầu giống hình cái gậy, màu đen tím hơi sẫm, bên ngoài xù xì, có nhiều hạt nhỏ nổi lên gọi là cầu quả, hình trứng, hoặc hình bầu dục tròn. Quan sát dưới kính hiển vi thì thấy mỗi quả cầu bên trong có nhiều tử nang hình dài, mỗi nang tử có nang bào tử cách mô đó là công cụ truyền ty khuẩn cho thế hệ sau. Đỉnh khuẩn tỏa nhọn, không có cầu quả, màu nâu xám hoặc nâu đen.

Trước đây, người ta cho rằng đây là vị thuốc mà mùa đông hóa thành sâu, mùa hè trở thành cây cỏ. Thật ra đó là một thứ nấm mọc ký sinh trên sâu non của một loại cây như đã mô tả trên. Về mùa đông sâu nằm im dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân sâu để hút chất bổ dưỡng trong con sâu làm cho sâu chết. Đến mùa hè, nấm sinh ra cơ chất mọc chồi khỏi mặt đất, nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu của con sâu. Khi nào người ta đào lấy cả sâu và nấm để dùng.


Dược liệu: Vị thuốc gồm nấm và sâu non dài, chừng 2-3cm, đường kính chừng 3-5mm biểu hiện màu vàng nâu hay màu xám nâu. Tự đầu của con sâu mọc ra một thân nấm hình trụ (đặc biệt có khi 2 hay 3 con sâu). Thân nấm thường dài 3-6cm, có khi tới 11cm. Phía dưới thân nấm có đường kính 1,5-4mm, phía trên to phình ra, cuối cùng là thon nhon, cả phần này dài 10-45mm, đường kính 2-6mm, nếu còn non thì đặc, già thì thân rỗng.


Bộ phận dùng: Khuẩn toạ, khuẩn ty và xác ấu trùng.

Phân bố: Chỉ phát hiện được Đông trùng hạ thảo vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3500 đến 5000m. Đó là các vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam...


Thành phần hoá học: Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối (biomass) của Đông trùng hạ thảo có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, có lipid, có nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...). Các cordiceptic acid, cordycepin, adenosine, hydroxyethyl-adenosine. Vitamin B12; vitamin A; vitamin C; vitamin B2 (riboflavin), vitamin E, vitamin K...).


Công năng: Bổ Phế và Thận, ích khí, chỉ huyết và trừ đờm.

Công dụng: Trị ho lâu ngày, yếu mệt, thổ huyết, nhiều mồ hôi, di tinh, đau lưng mỏi gối.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-12g dùng dạng rượu thuốc.

Bài thuốc:

+ Bồi bổ sau bệnh nặng, sau nhiều lần giao hợp: Đông trùng thảo 15 con, Vịt già 1 con làm xong sạch sẽ, bỏ lòng ruột, chẻ đôi đầu vịt ra cho Đông trùng thảo vào cột chặt gài đầu vào bụng cho gia vị vào, thêm hột sen, chưng tiềm cho nhừ ăn hết thịt và nước. (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Viêm khí quản mãn tính, bồi bổ cho người già, dùng Đông trùng thảo 6g, Khoản đông hoa 4,5g, Tạng bạch bì 6g, Cam thảo 5 phân, Tiểu hồi hương 1 phân sắc uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Kiêng kỵ: Chứng thuộc huyết và Phế có nhiệt thì cấm dùng.


 

Blogger news

Blogroll

About