Ads 468x60px

Pages

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

ĐĂNG TÂM THẢO

ĐĂNG TÂM THẢO
Đăng Tâm Thảo

Tên khác: Cỏ bấc đèn, Bấc, Hổ tu thảo, Bích ngọc thảo, Tịch thảo, Xích tu, Cổ ất tâm, Đăng thị, Thần đăng nhị.

Tên khoa học: Juncus effusus L., họ Bấc (Juncaceae).

Mô tả:

Cây: Cây thảo, cao 0,5 - 1m, có thân rễ nằm ngang hay nghiêng, tròn cứng, mọc thành cụm dầy, không có lá, có ruột xốp từ gốc tới ngọn. Lá giảm thành những bẹ ở gốc thân. Hoa đều, lưỡng tính, mọc thành vòng, màu lục nhạt, có lá bắc. Bao hoa khô xác không phân hoá. Nhị 3, ít khi 4 hoặc 6. Bao phấn hình chỉ. Bầu có vòi rất ngắn, đầu nhụy to. Quả nang, hạt nhỏ. Cây ra hoa và đầu mùa hạ.

Dược liệu: Ruột thân hình trụ tròn nhỏ, đường kính 0,1 - 0,3 cm, dài khoảng 90 cm, màu trắng hoặc vàng nhạt, có vân dọc nhỏ. Thể nhẹ, thả vào nước không chìm. Chất mềm, hơi có tính đàn hồi, dễ đứt, mặt đứt màu trắng. Soi kímh hiển vi thấy cấu tạo bởi những tế bào hình sao, để hở những khuyết lớn. Không mùi vị.

Bộ phận dùng: Vị thuốc là ruột phơi khô của thân cây Bấc đèn (Juncus effusus).

Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng ở những nơi ẩm ướt trong nước ta. Dược liệu phải nhập một phần từ Trung Quốc.

Thu hái: Tháng 9-10 cắt toàn cây về, rạch dọc thân để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi hay sấy khô tới độ ẩm dưới 11%.

Thành phần hoá học: Carbohydrat

Công năng: Giáng tâm hỏa, thanh phế nhiệt, lợi tiểu trường.

Công dụng: Thông tiểu tiện, chữa sốt, an thần, chữa ho, viêm họng.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1-2g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Bào chế:

Đăng tâm thảo: Trừ bỏ tạp chất, cắt đoạn.

Đăng tâm thán: Lấy Đăng tâm thảo sạch, cho vào nồi đất, bịt kín, đốt âm ỉ thật kỹ, để nguội, lấy ra.

Bài thuốc:

+ Trị bị thương ra máu: Đăng tâm thảo, nhai nhỏ đắp vào nơi vết thương thì cầm (Thắng Kim Phương).

+ Trị chảy máu cam không cầm: dùng 40g Đăng tâm tán bột, bỏ vào 4g Đơn sa, uống với nước cơm, lần uống 8g (Thánh Tế Tổng Lục ).

+ Trị họng nghẹt do viêm: Đăng tâm 1 nắm, dùng 2 tấm ngói đốt Đăngtâm tồn tính, lại sao một muỗng muối, trộn lại, thổi vào miệng họng nhiều lần thì đỡ (Đoan Trúc Đường Phương).

+ Trị họng nghẹt do viêm: Đăng tâm đốt cháy 6g, trộn bột Bồng sa trộn vào. Phương khác dùng Đăng tâm và lá Cọ đốt cháy, mỗi thứ liều dùng bằng nhau thổi vào họng (Đoan Trúc Đường Phương).

+ Trị đậu sang làm cho người mệt như suyễn, tiểu tiện không thông, dùng 1 nắm Đăng tâm, Miếp giáp 80g, nước 1 thăng rưỡi, sắc 6 chén uống 2 lần (Thương Hàn Luận Phương).

+ Trị khó ngủ: Đăng tâm thảo sắc uống thay trà thì ngủ được (Tập Giản Phương).

+ Thông tiểu: dùng “Bạch Phi Hà Tự Chế Thiên” 1 viên. Dùng Đăng tâm 10 cân, tẩm với hồ gạo, phơi khô tán bột bỏ vào nước, bột Đăng tâm nổi lên vớt ra phơi khô, lấy 100g. Lấy Phục linh (loại Xích và Bạch) bỏ vỏ, tất cả 200g, Hoạt thạch (thủy phi) 200g, Trư linh 80g, Trạch tả 120g, Nhân sâm 480g, xắt lát, nấu thành cao, trộn với bột thuốc, làm thành viên to bằng hạt nhãn lớn, dùng Châu sa bọc ngoài làm áo. Mỗi lần dùng 1 viên (Hàn Thị Y Thông).

+ Trị vàng da do thấp nhiệt, dùng Rễ đăng thảo 120g, rượu với nước mỗi thứ 1 nửa bỏ trong bình sứ, sắc nửa ngày, phơi sương một đêm, uống nóng (Tập Huyền Phương).

+ Trị bí tiểu đau gấp: Cam thảo (mút), Mộc thông, Chi tử, Đông quỳ tử mỗi thứ 9g, Hoạt thạch 12g, Đăng tâm 3g. Sắc uống (Tuyên Khí Tán - Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

+ Trị nhiệt lâm: Đăng tâm thảo 9g, Xa tiền thảo, Phượng vĩ thảo, mỗi thứ 30g sắc với nước vo gạo uống (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

+ Trị tiểu đỏ, tiểu gắt: Đăng tâm thảo 9g, Mộc thông mỗi thứ 6g, Xa tiền tử, Biển súc, Hoàng bá mỗi thứ 9g, Hoạt thạch 6g, sắc uống.

+ Trị mất ngủ, bức rức, miệng khát: Đăng tâm thảo 3g, Đạm trúc diệp 9g, hãm với nước như trà. (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

Ngoài ra theo báo cáo, người ta dùng Đăng tâm thảo kết hợp với Thổ ngưu tất sắc uống trị phù do tim, nếu thuộc phong thấp thì thêm rễ cây Xú ngô đồng 30g 15g. Sắc uống (Trung Dược Học).

Kiêng kỵ: Người thể hư, trúng hàn, tiểu tiện không kìm được không nên dùng.


BẠC HÀ

BẠC HÀ
Bạc Hà
Tên khoa học: Mentha arvensis L. (Bạc hà Á), hoặc Mentha piperita L. (Bạc hà Âu), họ Bạc hà (Lamiaceae). Cây được trồng ở nhiều địa phương nước ta.

Bộ phận dùng: Thân, cành mang lá (Herba Menthae)

Phân bố: Cây được trồng ở nhiều địa phương nước ta.

Mô tả: Cây thảo, sống lâu năm. Thân mềm, hình vuông. Loại thân ngầm mang rễ mọc bò lan, loại thân đứng mang lá, cao 30-40cm, có khi hơn, mầu xanh lục hoặc tím tía. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng. Cuống ngắn. Mép lá khía răng đều. Hoa nhỏ, mầu trắng, hồng hoặc tím hồng, mọc tụ tập ở kẽ lá thành những vòng nhiều hoa. Lá bắc nhỏ, hình dùi. Đài hình chuông có 5 răng đều nhau. Tràng có ống ngắn. Phiến tràng chia làm 4 phần gần bằng nhau, có 1 vòng lông ở phía trong. 4 nhụy bằng nhau, chi nhụy nhẵn. Quả bế có 4 hạt. Các bộ phận trên mặt đất có lông gồm lông che chở và lông bài tiết tinh dầu.

Mùa hoa quả vào tháng 7 - 10.

Thu hái: Thu hái vào khoảng tháng 5, 8, 11 thu hoạch lúc cây mới ra hoa, rửa sạch dùng tươi hoặc phơi trong râm cho khô.

Tác dụng dược lý:


+ Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc Bạc hà có tác dụng ức chế đối với virus ECHO và Salmonella Typhoit (Trung Dược Học).

+ Tác dụng trên cơ trơn: Menthol và Menthone có tác dụng ức chế trên ruột thỏ, Menthone có tác dụng mạnh hơn (Trung Dược Học).

+ Ức chế đau: Tinh dầu Bạc hà và Menthol bốc hơi nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ, dùng trong trường hợp đau dây thần kinh (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Sát khuẩn mạnh: dùng trong những trường hợp ngứa của 1 số bệnh ngoài da, bệnh về tai, mũi, họng (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Ức chế hô hấp, tuần hoàn: đối với trẻ em ít tuổi, tinh dầu Bạc hà và Menthol bôi vào mũi hoặc cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế dẫn tới ngừng thở và tim ngưng đập hoàn toàn. Người ta đã nhận xét thấy 1 số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu Menthol 1% hoặc bôi vào niêm mạc mũi loại thuốc mỡ có Menthol. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu Bạc hà hoặc dầu cù là cho trẻ nhỏ ít tuổi, nhất là trẻ mới đẻ (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Tác động đến nhiệt độ cơ thể: Bạc hà, tinh dầu Bạc hà hoặc Menthol uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, làm tăng bài tiết của tuyến mồ hôi, làm nhiệt độ cơ thể hạ thấp (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Liều lớn có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê liệt phản xạ và ngăn cản sự lên men bình thường trong ruột (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Bạc hà có tác dụng kháng vi khuẩn trong thí nghiệm In Vitro đối với các chủng vi khuẩn tả Vibrio Choreia Elto, Vibrio Choreia Inaba, Vibrio Choreia Ogawa (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Tinh dầu Bạc hà có tác dụng ức chế thần kinh trung ương do tác dụng chủ yếu của Menthol (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Tinh dầu Bạc hà làm giảm sự vận động và chống co thắt của ruột non. Các chất Menthol và Menthone ức chế sự vận động của đường tiêu hóa từ ruột xuống, có tác dụng làm gĩan mao mạch (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Thành phần hoá học chính: Tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu là menthol.

Công năng: Tán phong nhiệt, hạ sốt, thông mũi, chữa nhức đầu, giúp tiêu hóa, đau bụng

Công dụng:

- Chữa cảm cúm, nhức đầu, ngạt mũi, viêm họng, kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng, đầy bụng.

- Cất tinh dầu bạc hà và chế menthol dùng để sản xuất dầu cao sao vàng, làm chất thơm cho các sản phẩm thực phẩm như bánh kẹo, thuốc đánh răng, và trong một số ngành kỹ nghệ khác.

Cách dùng, liều lượng: Dùng dưới dạng thuốc xông, thuốc hãm 12-20g mỗi ngày.

Chế biến:

+ Lấy lá Bạc hà khô, tẩm nước, để vào chỗ râm mát, khi lá cây mềm, cắt ngắn từng đoạn, phơi trong râm cho khô để dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Rửa qua, để ráo nước, cắt ngắn chừng 2cm, phơi trong râm cho khô (Dược Liệu Việt Nam).

Bài thuốc:

1. Cảm cúm, đau đầu, sổ mũi, dùng Bạc hà 5g, hạt Quan âm, Cúc hoa vàng mỗi vị đều 10g. Kinh giới 7g, Kim ngân hoa 15g, sắc uống.

2. Ðau họng: Dùng Bạc hà 5g, Ngưu bàng, Huyền sâm, Cát cánh, Cam thảo mỗi vị 10g sắc uống.

Ghi chú: Phụ nữ cho con bú không nên dùng nhiều, vì nó giảm sự tiết sữa. Húng cây - Mentha arvensis L.var, javanica (Blume) Hook, là một thứ của Bạc hà thường trồng vì lá thơm, cũng dùng làm thuốc. Nó có vị cay tính ấm, có tác dụng thông phế khí, giải ban, tán hàn, giải biểu, thông thần kinh.


BẠCH HẠC

BẠCH HẠC
Bạch hạc

Tên khác: Kiến cò, Nam uy linh tiên

Tên khoa học: Rhinacanthus communis Nees., họ Ô rô (Acanthaceae).

Mô tả: Cây nhỏ mọc thành bụi, cao 1-2m, có rễ chùm. Thân non có lông mịn. Lá mọc đối, có cuống, phiến hình trứng thuôn dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông mịn. Hoa nhỏ, mọc thành xim nhiều hoa ở nách lá hoặc đầu cành hay ngọn thân. Hoa màu trắng nom như con hạc đang bay. Quả nang dài, có lông. Cây ra hoa tháng 8.

Phân bố: Cây mọc hoang, được trồng ở nhiều nơi. Trồng bằng gốc.

Thu hái: Rễ cũng được thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Bộ phận dùng: Rễ (Radix Rhinacanthi)

Thành phần hoá học: Anthranoid (rhinacanthin)

Công năng: Chống ho, sát trùng, chống ngứa, trừ phong thấp.

Công dụng:


- Chữa huyết áp cao, trị phong thấp, nhức gân, tê bại. Ngày uống 10-15g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Rễ có thể rửa sạch, bóc lấy vỏ phơi khô ngâm trong rượu, dấm để uống.

- Trị hắc lào (ngâm rễ với dầu hoả, xoa lên vết hắc lào).

Bài thuốc:

1. Lao phổi: Thân và lá Bạch hạc 20g, sắc nước, cho thêm đường uống.

2. Eczema, hắc lào: Giã một lượng vừa đủ cây lá tươi thêm cồn 70o ngâm và dùng ngoài. Có thể dùng rễ tươi giã nhỏ, ngâm rượu hoặc giấm trong một tuần lễ lấy nước bôi


CÂY XUÂN HOA

CÂY XUÂN HOA
Cây Xuân Hoa

Tên khác:
Cây Hoàn ngọc, Cây con khỉ.

Tên khoa học: Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk, họ Ô rô (Acanthaceae).

Mô tả: Cây có thể mọc cao từ 1-2m sống lâu năm, thân cây xanh màu tím lục, khi già chuyển thành màu nâu, phân ra nhiều nhánh, lá mọc đối diện có hình mũi mác, dài từ 12-15cm, rộng 3,5-5cm, nếp lá nguyên, cuống lá dài 1-2,5cm, cụm hoa dài 10-16cm. Hoa mọc ở kẽ lá hoặc ở đầu cành. Hoa lưỡng tính, không đều.

Bộ phận dùng:

Phân bố: Cây Xuân hoa mọc hoang ở nhiều nơi, được coi là cây thuốc quí có uy tín trong dân gian ở các tỉnh thành miền Bắc, nhất là thủ đô Hà Nội. Từ năm 1998, rộ lên việc trồng cây Xuân hoa để chữ những bệnh thuộc về nhóm bệnh đường tiêu hóa.

Tác dụng dược lý: Xuân hoa có tác dụng kháng khuẩn cho 2 loại gram (+) và gram (-), kháng nấm mốc và kháng nấm men. Đặc biệt còn có tác dụng trên vi khuẩn Escherichia coli.

Thành phần hoá học: Acid hữu cơ, flavonoid, sterol, đường tự do, carotenoid, vết saponin và vết chất béo.

Công dụng: Chữa rối loạn tiêu hoá, điều trị chấn thương, chảy máu.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 10-12g dùng riêng hay kết hợp với các dược liệu khác. Sử dụng dưới dạng nước sắc, ăn sống hay giã nát đắp lên các vết thương.

Chú ý: Có thời gian người ta dùng lá cây này như là một loại thuốc chữa bách bệnh.


TRINH NỮ HOÀNG CUNG

TRINH NỮ HOÀNG CUNG
Trinh nữ hoàng cung

Tên khác: Náng lá rộng, Tỏi lơi lá rộng, Tây nam văn châu lan, Tỏi Thái Lan, Vạn châu lan hay Thập bát học sỹ.

Tên khoa học: Crinum latifolium L., họ Thuỷ tiên (Amaryllidaceae).

Mô tả: Trinh nữ hoàng cung là một loại cỏ, thân hành như củ hành tây to, đường kính 10-15cm, bẹ lá úp nhau thành một thân giả dài khoảng 10-15cm, có nhiều lá mỏng kéo dài từ 80-100cm, rộng 5-8cm, hai bên mép lá lượn sóng. Gân lá song song, mặt trên lá lỡm thành rãnh, mặt dưới lá có một sống lá nổi rất rõ, đầu bẹ lá nơi sát đất có màu đỏ tím. Hoa mọc thành tán gồm 6-18 hoa, trên một cán hoa dài 30-60cm. Cánh hoa màu trắng có điểm màu tím đỏ. Quả gần hình cầu (ít gặp). Mùa hoa quả: tháng 8-9. Từ thân hành mọc rất nhiều củ con có thẻ tách ra để trồng riêng dễ dàng.

Bộ phận dùng: Lá (Folium Crinii latifolii), thân hành của cây.

Phân bố: Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau trồng ở các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Malaysia và phía Nam Trung Quốc. Cây Trinh nữ hoàng cung đang được trồng ở nhiều nơi nước ta, từ miền Bắc đến miền Nam.

Thu hái: Tháng 6-7, có thể thu hoạch lá. Chỉ thu những lá bánh tẻ, thu đến khi cây ngừng sinh trưởng.

Tác dụng dược lý:

Cao methanol của rễ, thân và cao chiết alcaloid toàn phần của cây này đều có tác dụng ức chế phân bào. Trong vài mô hình gây u báng sacom và ung thư đùi ở chuột nhắt, hợp chất chứa cao cây này hạn chế sự phát triển khối u và hạn chế sự di căn tế bào. Một số alcaloid trong cây này có hoạt tính sinh học. Lycorin ức chế protein và DNA của tế bào chuột và ức chế sự phát triển của u báng cấy ở chuột. Trong thử nghiệm, lycorin làm giảm khả năng sống của tế bào u. Lycorin làm ngừng sự phát triển virus gây bệnh bại liệt, ức chế sự tổng hợp các tiền chất cần cho sự sinh trưởng của virus gây bệnh bại liệt. (Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt-nam).

Thành phần hoá học:

Từ năm 1983 cho đến nay, các công trình nghiên cứu về trinh nữ hoàng cung đã công bố thành phần hóa học của nó có khoảng 32 alcaloid. Trong số đó đáng quan tâm là một số alcaloid có tác dụng kháng u như: crinafolin, crinafolidin, lycorin, và β -epoxyambellin tác dụng trên tế bào T - lymphocyte và còn có tác dụng kháng khuẩn như hamayne (bulbispenmin, flavonoid, demethylcrinamin). Ngoài alcaloid còn có các hợp chất bay hơi, aldehyd, acid hữu cơ, terpen và glucan A, glucan B.

Công năng: Có tác dụng tăng huyết áp tạm thời, có tác dụng kháng sinh mạnh, ức chế khối u, ức chế phát triển của tế bào ung thư. Có tác dụng gây sung huyết da.

Công dụng: Điều trị một số dạng ung thư như ung thư phổi, u xơ tuyến tiền liệt, ung thư vú, trị u tử cung, ho, dị ứng, đau khớp, viêm da, mụn nhọt...

Cách dùng, liều lượng: Ngày 20-50g dạng nước sắc.

Bài thuốc:

1. Chữa đau khớp, chấn thương tụ máu:

+ Lá Trinh nữ hoàng cung lượng vừa đủ, xào nóng, băng đắp nơi đau.

+ Củ trinh nữ hoàng cung 20g, dây Đau xương 20g, Huyết giác 20g, lá Cối xay 20g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang.

+ Củ Trinh nữ hoàng cung nướng cho nóng, đập dập, băng đắp nơi sưng đau (Kinh nghiệm Ấn độ).

2. Chữa ho, viêm phế quản:

+ Lá trinh nữ hoàng cung 20g, Tang bạch bì 20g, Xạ can 10g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, lá Bồng bồng 12g, lá Táo chua 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

3. Chữa u xơ tuyến tiền liệt (đái không thông, đái đêm, đái buốt, đái dắt ở người cao tuổi).

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, hạt Mã đề (Xa tiền tử) 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần trong ngày.
+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Huyết giác 20g, rễ Cỏ xước 12g, dây Ruột gà (Ba kích sao muối 10g), Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

4. Chữa u xơ tử cung (đau bụng dưới, có thể rong kinh, rong huyết, ra máu âm đạo...).

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Hạ khô thảo 20g, rễ Cỏ xước 12g, Hoàng cầm 8g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Huyết giác 20g, Ích mẫu 12g, Ngải cứu tươi 20g, lá Sen tươi 20g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, lá Trắc bách sao đen 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang.

5. Chữa mụn nhọt:

+ Lá hoặc củ Trinh nữ hoàng cung, lượng vừa đủ, giã nát (hoặc nướng chín) đắp lên mụn nhọt khi còn nóng.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Bèo cái 20-30g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Kim ngân hoa 20g. Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

6. Chữa dị ứng mẩn ngứa: Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Kim ngân hoa 20g, Ké đầu ngựa 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Chú ý: Hiện nay trong nhân dân có nhiều người nhầm lẫn cây trinh nữ hoàng cung với một số cây náng khác, đặc biệt là cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L.), sử dụng lá đun sôi lấy nước uống bị ngộ độc, nôn ói. Do đó phải phân biệt rõ cây Trinh nữ hoàng cung với các cây náng khác có tại Việt Nam.


CÂY BA GẠC


CÂY BA GẠC
Cây Ba Gạc
Tên khác: La phu mộc.

Tên khoa học: Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill. = R. chinensis Hemsl. (Ba gạc); R. vomitoria Afz. (Ba gạc bốn lá); R. cambodiana Pierre (Ba gạc lá to); R. canescens L. (Ba gạc Cuba); R. serpentina (L.) Benth. ex Kurz. (Ba gạc Ấn Độ), họ Trúc đào (Apocynaceae). Những loài này mọc hoang hoặc được đưa từ các nước khác về trồng ở nước ta.

Mô tả: Cây nhỏ, cao 1-1,5m. Thân nhẵn, có những nốt sần nhỏ màu lục sau xám. Lá mọc vòng 3 có khi 4-5; phiến lá hình ngọn giáo dài 4-16cm, rộng 1-3cm, gốc thuôn, chóp nhọn. Hoa nhỏ màu trắng, hình ống phình ở họng, mọc thành xim dạng tán kép dài 4-7cm. Quả dài xếp từng đôi, hình trứng, khi chín có màu đỏ tươi rồi chuyển sang màu tím đen.

Ra hoa tháng 3-12, có quả tháng 5 trở đi. Ở đồng bằng, có khi hoa nở quanh năm.

Bộ phận dùng: Vỏ rễ và rễ (Cortex et Radix Rauvolfiae)

Phân bố: Cây mọc hoang ở Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hoá, Lào Cai. Cùng phân bố ở Trung Quốc.

Thu hái: Vào mùa thu, đông, đào rễ về, rửa sạch đất, phơi hoặc sấy khô. Cần chú ý bảo vệ lớp vỏ vì lớp vỏ chứa nhiều hoạt chất nhất.

Tác dụng dược lý:

+ Đối với huyết áp: dùng nước sắc Ba Gạc nghiên cứu trên thỏ và chó thấy có tác dụng giảm áp rõ với liều 0,5/kg thân thể súc vât (Bộ môn sinh lý đại học y dược Hà Nội 1960).

+Đối với tim: trên tim ếch cô lập và tại chỗ thấy nước sắc Ba Gạc làm chậm nhịp tim(do Ajmalin). Trên hệ mạch ngoại biên của thỏ không thấy có tác dụng trên mạch máu ngoại biên.

+Trên ruột thỏ cô lập thấy liều nhẹ làm tăng nhu động ruột.

+Trên hệ thần kinh trung ương thấy không làm giảm sốt.

+Có tác dụng trấn tĩnh, gây ngủ (do Reserpin, Retxinamin).

Theo ‘Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam’:

* Reserpin được coi là Alcaloid quan trọng nhất, đại biểu cho dược tính của Ba Gạc. Hai tác dụng dược lý quan trọng của Reserpin được xử dụng trong điều trị là hạ huyết áp và an thần.

Reserpin làm hạ huyết áp cả trên súc vật gây mê hoặc không gây mê. Tác dụng này xuất hiện chậm và kéo dài.cơ chế tác dụng hạ áp là do làm cạn dần kế hoạch dự trữ chất dẫn truyền trung gian Noradrenalin trong các dây thần kinh giao cảm, được coi như hiện tượng cắt hệ thần kinh giao cảm bằng hóa chất. Reserpin không có tác dụng làm liệt hạch, có tác dụng làm chậm nhịp tim, làm dãn các mạch máu dưới da.

* Đối với thần kinh trung ương, Reserpin có tác dụng ức chế, gây trấn tĩnh rõ, giông là các dẫn chất Phenothiazin

* Đối với mắt, Reserpin có tác dụng thu nhỏ đồng tử 1 cách rõ rệt (là 1 trong những triệu chứng sớm nhất sau khi dùng thuốc).

Reserpin còn làm sa mi mắt, làm thư dãn mi mắt thứ 3 (Nictitating membrane) của mèo và chó.

* Đối với hệ tiêu hóa: Reserpin làm tăng nhu động ruột và bài tiết phân.

* Đối với thân nhiệt: sau khi dùng Reserpin, có sự rối loạn về điều hòa thân nhiệt.

* Đối với hệ nội tiết: Reserpin có tác dụng kích thích vỏ tuyến thượng thận giải phóng các Corticoid. Có tác dụng kháng lợi niệu yếu. Trên chuột cống cái, Reserpin làm ngừng chu kỳ động dục, ức chế sự phóng noãn. Trên chuột đực, ức chế sự phân tiết Androgen.

* Độc tính của Reserpin:

. Liều chịu đựng được bằng đường uống đối với súc vật: 10-2000mg/kg.

. LD50 bằng đường tiêm tĩnh mạch trên chuột cống trắng: 28 ± 1,6mg/kg, bằng đường uống trên chuột nhắt là 500mg/kg.

Thành phần hoá học chính: Nhiều alcaloid (0,8%), trong đó quan trọng nhất là reserpin, serpentin, ajmalin.

Công năng: Thanh nhiệt hoạt huyết, giải độc, giáng huyết áp. Nước sắc Ba gạc có tác dụng làm giảm huyết áp có nguồn gốc trung ương, làm tim đập chậm, lại có tác dụng an thần và gây ngủ.

Công dụng: Chiết xuất các alcaloid (reserpin, ajmalin, alcaloid toàn phần) dùng dưới dạng viên nén chữa cao huyết áp. Ajmalin dùng chữa loạn nhịp tim dưới dạng thuốc viên và thuốc tiêm.

Chế biến: Có thể dùng tươi, khô hoặc nấu thành cao.

Bài thuốc:

* Reserpin: viên nén 0,0001g, 0,00025g và 0,0005g. Thuốc tiêm 5mg/2ml.

* Viên Rauviloid (2mg Alcaloid toàn phần của R. serpentina), liều dùng cho bệnh huyết áp cao là 2-4mg/ngày.

* Viên Raudixin (bôt rễ R. serpentina) 50-100mong, liều dùng trung bình hàng ngày là 200-400mg.


HOÀNG BÁ NAM

HOÀNG BÁ NAM
Hoàng Bá Nam

Tên khác: Vỏ Núc nác, Nam hoàng bá.

Tên khoa học: Vị thuốc là vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Núc nác (Oroxylon indicum Vent.), họ Chùm ớt (Bignoniaceae).

Mô tả:

Cây: Cây nhỡ, cao 5-13m. Thân nhẵn, ít phân cành, vỏ cây màu xám tro, mặt trong màu vàng. Lá xẻ 2-3 lần lông chim, dài tới 1,5m. Hoa màu nâu đỏ sẫm mọc thành chùm dài ở ngọn thân. Đài hình ống, cứng, dày, có 5 khía nông. Tràng hình chuông, phình rộng, có 5 thuỳ họp thành hai môi, 5 nhị, có chỉ nhị có lông ở gốc. Đĩa mật có 5 thuỳ rõ, cao 4-5mm, đường kính 12-14mm. Quả thõng, dài 40-120cm, rộng 5-10cm, các mảnh vỏ hoá gỗ. Hạt dài 4-9cm, rộng 3-4cm, kể cả cánh mỏng bao quanh. Hoa nở về đêm, thụ phấn nhờ dơi. Hoa và quả từng lúc quanh năm. Các quả chín vẫn ở trên cây khá lâu vào mùa khô khi cây rụng hết lá.

Dược liệu: Vỏ cuộn lại thành hình ống hay hình cung, dày 0,6 - 1,3 cm, dài ngắn không nhất định. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, nhăn nheo, có nhiều đường vân dọc, ngang. Mặt trong nhẵn, màu vàng xám hay vàng lục. Mặt bẻ ngang có lớp bần mỏng. Mô mềm vỏ lổn nhổn như có nhiều sạn, trong cùng có lớp sợi dễ tách theo chiều dọc.

Bộ phận dùng: Vị thuốc là vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Núc nác (Oroxylon indicum Vent.)

Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi khắp nước ta.

Thu hái: Thu hái quả nang chín màu nâu vào mùa thu và đông, phơi khô ngoài nắng cho vỏ nứt hạt, tách lấy hạt và phơi tiếp cho đến khô. Vỏ cây thu hái quanh năm; khi cần thiết, đẽo vỏ trên cây, thái phiến dài 2 - 5 cm, phơi hay sấy khô.

Tác dụng dược lý: Có tác dụng chống viêm, chống dị ứng rõ rệt. Tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân bất lợi từ bên ngoài vào cơ thể. Làm giảm độ thấm của mạch máu.

Thành phần hoá học:
Vỏ và hạt chứa một hỗn hợp flavonoid và chất đắng kết tinh là oroxylin. Vỏ chứa baicalein và chrysin. Hạt cũng chứa oroxylin và một chất dầu chứa 80,40% acid oleic, acid palmitic, acid stearic và acid lignoceric.

Công năng: Hạt có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi hầu họng, chống ho, giảm đau, vỏ thân có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Các flavonoid trong vỏ cây và hạt có tác dụng đối với bệnh mày đay và mẩn ngứa và còn có tính kháng trùng.

Công dụng:

+ Lá hoa và quả khi còn non đều ăn được sau khi đun nấu. Người ta thường lùi quả non vào trong tro than rồi đem bóc bỏ vỏ ngoài, lấy phần trong của quả xào ăn. Hạt, vỏ thân thường được dùng làm thuốc.

+ Hạt dùng trị: 1. Viêm họng cấp và mạn tính, khan cổ; 2. Viêm phế quản cấp và ho gà; 3. Đau vùng thượng vị, đau sườn.

+ Vỏ thân được dùng trị: viêm gan vàng da, viêm bàng quang, viêm họng, khô họng, ho khan tiếng, đau dạ dày, dị ứng trẻ em ban trái, sởi. Cũng dùng chữa dị ứng sơn, trị bệnh vẩy nến, hen phế quản trẻ em. Trong dân gian dùng thay Hoàng bá.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 8 - 16g, dạng thuốc sắc, hoàn tán.

1,5-3g hạt, 8-16g vỏ thân, dạng thuốc sắc. Có thể nấu thành cao hay chế dạng bột. Dùng ngoài nấu nước rửa hoặc dùng cao bôi.

Ở nước ta Viện Dược liệu đã sản xuất nunaxin viên 0,25g từ hỗn hợp các flavonoid để chữa mày đay và mẩn ngứa, dùng vỏ Núc nác làm viên Habanin kháng trùng và một loại viên kết hợp 2 dạng thuốc trên.

Bào chế:


Loại bỏ tạp chất, cạo bỏ lớp bần, rửa sạch, thái phiến chiều dài 2- 5 cm, bề dày 1-3 mm, phơi khô, hoặc sao nhỏ lửa cho đến khi bề mặt dược liệu có màu vàng.

Bài thuốc:

1. Ngoài da lở ngứa, bệnh tổ đĩa ngứa giữa lòng bàn tay, bệnh giang mai lở loét: Vỏ Núc nác, Khúc khắc, mỗi vị 30g, sắc uống hàng ngày.

2. Chữa đau dạ dày: Dùng vỏ núc nác, sấy khô tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-3g (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

3. Chữa kiết lỵ, đau dạ dày ợ hơi, ợ chua: Dùng hạt núc nác phơi khô, tán thành bột mịn, hoặc sắc uống mỗi ngày 8-10g (Trồng hái và dùng cây thuốc).

4. Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày: Mộc hồ điệp 10g, đường phèn hay kẹo mạch nha 30g, nước 300ml sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

5. Viêm đường tiết niệu, đái buốt ra máu: Vỏ núc nác, rễ Cỏ tranh, Mã đề mỗi thứ một nắm, sắc nước uống.

6. Ho lâu ngày: 5-10g hạt, sắc nước hoặc tán bột uống.

7. Lở do dị ứng sơn: Vỏ Núc nác nấu cao, dùng uống và bôi vào chỗ lở.

8. Chữa viêm khí quản cấp tính, ho gà: Dùng mộc hồ điệp 4g, an nam tử 12g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 12g, khoản đông hoa 12g. Sắc lấy nước, thêm 60g đường phèn vào hòa tan, chia uống nhiều lần trong ngày (Hiện đại thực dụng trung dược). "An nam tử" là tên dùng trong đơn thuốc của vị "bạng đại hải", tức là hạt "lười ươi" (Sterculia lychnophora Hance.), có mọc ở Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Ðịnh, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị...

9. Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang: Dùng vỏ núc nác 16g, chi tử (quả dành dành) 20g, mã đề thảo (lá và bông mã đề) 20g, xương bồ 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 30g, quế chi 4g, cam thảo đất 20g; Sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng (Thuốc Nam và Châm cứu).

Kiêng kỵ: Người hư hàn gây đau bụng, đầy bụng tiêu chảy không dùng.

Ghi chú: Hạt Núc nác cũng là vị thuốc, có tên là Mộc hồ điệp, có tác dụng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, đau dạ dày.


 

Blogger news

Blogroll

About